Thursday, April 7, 2011

Khoa Học Kỹ Thuật: Hai kỹ thuật có thể cứu nông dân Ấn Độ canh tác với ít nước hơn rất nhiều

Cali Today News - Thiên tai có thể làm con người lo sợ vì hậu quả trước mắt quá rõ ràng. Nhân loại đã thấy Nhật Bản, một cường quốc hàng đầu thế giới, đã đau khổ ra sao khi cùng lúc động đất và sóng thần tàn phá gây chết chóc khắp vùng đông bắc.

Nhưng có một loại tai họa khác có thể ảnh hưởng khắp thế giới, một cách từ từ mà chắc chắn, đó là giá lương thực tăng. Một trong các yếu tố gây ra hiện tượng này chính là thời tiết không điều hòa. Giông bão và hạn hán là hai thiên tai đối chọi nhau, nhưng hậu quả đều khốc hại như nhau cho mùa màng.

Một khi sản lượng giảm do thiên tai, lập tức giá ngũ cốc, tức giá lương thực tăng vọt. Chuyện thấy rõ ở Nga trong mùa hè năm 2010, khi hạn hán và lửa rừng đẩy giá lúa mì gia tăng thêm 38%, làm chao đảo cả Châu Âu, vì Nga là xứ xuất cảng lúa mì lớn cho châu Âu.

Ấn Độ đang khát nước cho các vụ mùa năm nay, nhất là ở bang Punjab phía tây bắc. Bang này chỉ chiếm diện tích là 2% diện tích của Ấn Độ, nhưng lại sản xuất hơn 50% ngũ cốc cho cả nước. Hiện nay các nhà khoa học cho biết nông dân Punjab đang hút nước cho nông nghiệp hơn đến 45% khả năng tái tạo nước do mùa mưa đem đến.

Các nông gia ở Punjab đã bỏ các nông sản trồng trọt truyền thống thích hợp cho vùng đất ‘semiarid’ (vùng bán khô cằn) là bắp và lúa mì và quay sang trồng lúa vì có lời hơn, nhưng lại tốn nước tưới tiêu hơn.

Shama Perveen, nhà khoa học thuộc Trung Tâm Water Center của đại học Columbia, cho hay: “Nếu bang Punjab vẫn tiếp tục được xem là thủ đô ngũ cốc của Ấn Độ thì vấn đề sử dụng nước ra sao cần phải đuợc nghiên cứu kỹ và phải tạo ra một kế hoạch lâu dài cho tương lai vùng này”

Cùng với nhiều đồng nghiệp từ đại học Columbia, Perveen hợp tác với các nhà khoa học Ấn Độ để giúp các nông gia hai kỹ thuật đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc sử dụng nước, mà vẫn không bắt họ phải trồng loại ngũ cốc mà họ không thích.

Đầu tiên là những cái tensiometers (dụng cụ đo độ trương nước), một ống bằng sứ rỗng gắn với một cây dài cắm vào đất để đo nồng độ nước. Trong một thí dụ điển hình, người ta mời 500 nông gia của 50 ngôi làng của Punjab cắm “các cây gậy đo nước” vào ruộng lúa của họ.

Các nông gia được các nhà khoa học cắt nghĩa là khi nào họ thấy đầu ống chỉ cho biết độ nước trong đất kém thì mới dẫn nước vào bơm cho đồng ruộng. Các nông gia theo kỹ lời khuyên này sau đó cho biết họ đã tiết kiệm được tới 30% lượng nước mà năng suất ruộng của họ vẫn cao.

Kỹ thuật thứ nhì là dùng tia laser để xem độ bằng phẳng của mặt ruộng. Các máy quét laser báo cho nông dân biết những nơi lồi lõm trước khi gieo hạt để tránh tình trạng có nhiều nơi có đất sét nhão (puddles) hay quá khô khiến lượng nước tưới khi nhiều khi ít. Kỹ thuật này giúp các nông gia tiết kiệm thêm 20% lượng nước tưới tiêu.



Vào cuối năm 2011, các nhà khoa học sẽ phân phối các cây đo tensiometers và máy quét laser cho hơn 5,000 nông gia ở Punjab và hơn 1,500 người khác của bang Gujarat kế cận. Một viên chức Ấn Độ nói: “Khi khuyến khích thêm nhiều nhà nông tham gia, chúng tôi nghĩ có thể giải quyết tình trạng thiếu nước trong nông nghiệp trong một số vùng nổi tiếng khô hạn”

Bhishm Kumar, chuyên gia Viện National Institute of Hydrology, nhận xét: “thách đố cho giới khoa học là làm sao khuyến khích thêm càng nhiều nông gia mạnh dạn tham gia vào các hoạt động khoa học. Trong tương lai sẽ có nhiều giống ngũ cốc mới ít cần nước hơn xuất hiện và kỹ thuật tưới thẳng vào rể cây, để tiết kiệm nước hơn nữa”

Hồng Quang theo Scientific American

Khoa Học Kỹ Thuật: Hai kỹ thuật có thể cứu nông dân Ấn Độ canh tác với ít nước hơn rất nhiều

Saturday, April 2, 2011